Trong 10 tháng đầu năm 2021, số dự án đầu tư mới từ Nhật Bản cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia kinh tế nhận định rằng doanh nghiệp Nhật Bản có sự tin tưởng và đánh giá cao thị trường Việt Nam ngay cả trong thời điểm đại dịch. Bài viết đưa ra lý do vì sao đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam luôn tăng và xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022
#1 Tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2021
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết nguồn vốn FDI của Nhật đổ vào Việt Nam tăng 54% tính đến tháng 11 năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư mới chiếm 73.4% (183 dự án ) trong khi vốn mở rộng chỉ chiếm 20.4% và vốn cổ phần 6.5%. Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách các nước có lượng vốn đầu tư cao nhất, chỉ sau Singapore.
Số lĩnh vực mà Nhật đầu tư vào Việt Nam lên đến con số 19. Trong đó, nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn khoảng 42 tỷ USD. Một số lĩnh vực có số vốn lớn tiếp theo là kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà.
Nguồn vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên qua các năm
#2 Lý do đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam luôn tăng
Nhật Bản là quốc gia thuộc vùng Đông Á, có nét tương đồng về văn hoá với Việt Nam. Phong cách con người Nhật Bản xem trọng tính tập thể, cộng đồng, điều này khiến người Nhật đầu tư tại Việt Nam dễ dàng thích nghi. Nhật Bản cũng có sự hỗ trợ thúc đẩy sự hợp tác đầu tư qua các chương trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nhật Bản. Vì vậy, số người Nhật đến sinh sống tại Việt Nam tăng lên, cụ thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, người Nhật đã tăng 1,7 lần so với 5 năm trước (vào năm 2020 có khoảng 12.481 người).
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về chi phí đầu tư vì có nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, giá cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Philippines hoặc Malaysia. Đồng thời, chính phủ Việt Nam có chính sách sách thu hút đầu tư như nghị quyết số 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đại dịch. Chính phủ cũng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
#3 Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022
Ông Shinji Hirai – trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM cho biết Dòng vốn đầu tư Nhật vào Việt Nam được bổ sung trong năm 2022 đến từ những nhà đầu tư đang sản xuất tại Việt Nam. Hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trong khi đó chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng kinh doanh. Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn.
Trong năm 2022, ngoài vốn đầu tư trực tiếp FDI, Nhật Bản mở rộng các hình thức đầu tư khác như mua bán, sáp nhập (M&A). Tại diễn đàn M&A Việt Nam năm 2020, Tổng giám đốc công ty TNHH RECOF Việt Nam nói rằng M&A sẽ trở thành xu hướng đầu tư của các công ty Nhật tại Việt Nam trong những năm sắp tới.
Trong năm tới, Bộ Công Thương Việt Nam cũng cho biết sẽ ưu tiên cho các dự án sử dụng công nghệ mới, hiện đại, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao. Nhật Bản có thế mạnh trong những lĩnh vực này, hứa hẹn đem lại nguồn vốn đầu tư lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, công nghiệp vẫn là lĩnh vực có vị trí quan trọng, được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đánh giá cao. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ là xu hướng đầu tư trong năm tới của doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam- Nhật Bản
Thông qua bài viết, hy vọng người đọc có được cái nhìn tổng quan về đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, việc hiểu được lý do tại sao nguồn vốn FDI Nhật Bản không ngừng tăng lên giúp bạn có sự lạc quan, nắm bắt được xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm tới.